
SỔ TAY
NGHỀ LÁI
LỜI MỞ ĐẦU
Chào mừng các bác tài đến với Sổ tay nghề lái!
Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng để làm nghề tài xế chỉ cần biết lái xe là đủ rồi, có gì khó đâu. Nghĩ như vậy thì thiệt thòi cho cánh tài xế quá phải không ạ? Ngoài việc điều khiển tốt những “cỗ xe tải” cồng kềnh, chúng ta luôn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn mỗi ngày trên những cung đường. Thế đấy, chẳng công việc nào là dễ cả và nghề tài xế cũng đòi hỏi kinh nghiệm và cái tâm của người làm nghề không thua gì bác sĩ đâu các bác tài nhỉ?
Đã bao giờ các bác gặp tình huống oái ăm với những chủ hàng khó tính? Các bác thường làm gì khi chuyến hàng gặp sự cố và không đến kịp giờ hẹn? Có khi nào bác tài tự hỏi rằng tại sao chủ hàng không gọi mình nữa? Làm sao tiết kiệm chi phí mỗi chuyến hàng và tăng thu nhập?… Vậy thì cẩm nang này sẽ giúp bác tài giải đáp những thắc mắc này đó.
Với những kinh nghiệm và các tuyệt chiêu hay ho được tập hợp từ các đồng nghiệp tài xế lâu năm trong nghề, hy vọng cuốn sổ tay nhỏ này sẽ mang đến những thông tin hữu ích để các bác tài có thể vững tin cầm lái và sẽ luôn là người bạn đồng hành thân thiết của các bác tài trên những cung đường xa.
Xin cám ơn.
A. BÁC TÀI CÓ TÂM – CHUẨN TẦM

Nhận và hoàn thành được nhiều đơn hàng chưa hẳn đã là đảm bảo chất lượng dịch vụ chuyển hàng. Các bác tài cũng cần nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua tác phong phục vụ lịch sự, ân cần và chuyên nghiệp. Dưới đây là những quy tắc ứng xử, nguyên tắc nghề nghiệp được chúng tôi tổng hợp lại từ 50.000 bác tài trong hệ thống của LOGIVAN.
I. CÁCH ỨNG XỬ CỦA BÁC TÀI CÓ TÂM
Để luôn có hàng chạy, nghĩ ngay đến “thần chú” 3 nhớ – 4 đừng – 5 hãy!
1. “3 Nhớ”
Nhớ những điều đơn giản này để tạo thiện cảm với chủ hàng nha các bác tài ơi!
- NHỚ mang theo một NỤ CƯỜI
Tươi vui niềm nở, mọi người thích ngay!
Dù chở hàng cho LOGIVAN hay chở cho mối quen, dù chuyến dài hay chuyến ngắn, chỉ cần bác tài cười tươi khi gặp chủ hàng, cộng thêm thật nhiều sự niềm nở và nhiệt tình, đảm bảo là chủ hàng sẽ vui ngay, có khi họ còn dễ tính với mình hơn nhiều luôn đó bác tài. Tin LOGIVAN đi!
- NHỚ trao nhau một LỜI CHÀO
Chào nhau một tiếng, thế nào cũng vui!
Ông bà ta có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, thế nên, tiếc gì một lời chào nồng nhiệt khi gặp khách hàng bác tài ơi. Chở xong chuyến này mà khách hàng hài lòng thì khả năng cao chuyến sau gặp lại nữa đó! À, bác tài cũng nên nhớ, nếu gặp những khách hàng khó tính thì luôn giữ bình tĩnh và thái độ tích cực nhất nha!
- NHỚ luôn ăn mặc GỌN GÀNG
Tinh tươm sạch sẽ chủ hàng mến ngay!
Các bác tài nhà mình đều thích phong cách bụi bặm, phong trần. Giờ chỉ cần ăn mặc gọn gàng thêm chút nữa là “ngầu ngất ngây” luôn các bác ơi! Khuyến khích bác tài nên mặc quần dài, áo có cổ và đi giày. Với những đơn hàng đặc biệt, khi chủ hàng yêu cầu thêm đồ bảo hộ như mũ, áo, giày bảo hộ… các bác tài vui lòng thực hiện để đảm bảo an toàn nhé!
2. “4 Đừng”
Đây là 4 điều các bác tài nhà mình cần ghi nhớ để luôn có tinh thần tốt nhất trên những chuyến hàng xa nha!
- ĐỪNG QUÊN sức khỏe bản thân.
Ăn no, ngủ kỹ, tinh thần mới cao!
Biết là các bác tài nhà mình thường thích nhâm nhi nhưng dù sao thì cũng đừng coi thường giấc ngủ nha. Ngủ ít nhất 5 – 6 tiếng mỗi ngày để luôn tỉnh táo và có thể gắn bó lâu dài với nghề nha các bác tài.
- ĐỪNG QUÊN tra trước tuyến đường.
Có đường cấm tải, có đường đông xe.
Làm nghề cầm lái, hẳn là các bác tài đều rành đường rồi. Tuy nhiên, các bác tài cũng đừng quên cập nhật thông tin về tuyến đường mình sắp chở hàng nha. Biết đâu có những tuyến đường đang bị cấm hay sửa chữa thì sao?
- ĐỪNG QUÊN trật tự giao thông.
Ít còi, không lạng, cũng không vượt làn.
Không chỉ tuân thủ luật giao thông trên những tuyến đường chính, các bác tài cũng hãy để ý những quy định riêng tại các khu công nghiệp, kho bãi công ty hay các khu đông dân nữa đó. Mỗi nơi có một quy định riêng nên mình tôn trọng người ta vẫn là điều nên làm nè.
- ĐỪNG VỘI nhấn mạnh chân ga.
An toàn trên hết, cả nhà đều mong.
Nếu xe có thể đến trễ thì các bác tài nhà mình có thể gọi thông báo cho chủ hàng là được. Đừng vì sợ trễ hẹn mà nhấn ga chạy nhanh nha. Nhanh một phút mà có thể chậm cả đời đấy Vì một chuyến hàng an toàn và văn minh, các bác tài luôn nhớ điều này nhé!
3. “5 Hãy”
Chỉ với 5 hành động đơn giản này, các bác tài đã tạo được thiện cảm và đánh giá tích cực từ chủ hàng rồi đó!
- HÃY ĐÚNG HẸN với chủ hàng.
Nhận hàng đúng lúc, giao hàng đúng nơi.
Bác tài đừng quên giao hàng đúng giờ và đúng địa điểm đã trao đổi để chủ hàng đỡ sốt ruột ngóng trông, tránh lỡ việc của họ, và cũng là để nâng cao hình ảnh chuyên nghiệp của mình trong mắt chủ hàng đó bác tài ơi!
- HÃY chất hàng hóa GỌN GÀNG.
Chẳng sợ rơi vỡ, tránh hàng hư hao.
Thông thường, mỗi khi nhận hàng, bác tài và đội ngũ nhân viên của chủ hàng sẽ cùng chất hàng hóa lên xe. Lúc này, các bác lưu ý những kỹ thuật bảo quản đối với từng mặt hàng cụ thể để hạn chế tình trạng hàng hóa bị hư hỏng hay vỡ trong quá trình vận chuyển. Từ đó, tránh những thiệt hại và đền bù không đáng có cho các bác tài.
- HÃY LIÊN HỆ trước khi giao.
Để khi xe đến khỏi chờ đợi lâu!
Bác tài ơi, chỉ cần một cuộc gọi báo trước thôi, chủ hàng sẽ chủ động chuẩn bị, giúp cả bác tài lẫn chủ hàng rút ngắn thời gian chờ đợi, nhất là những chuyến hàng giao vào khung giờ nghỉ trưa hay sau giờ làm việc.
- HÃY dỡ hàng hóa NHẸ NHÀNG.
Tránh bị hỏng hóc, chuyến hàng vẹn nguyên.
Thử hình dung nếu bác tài nhận được thông báo các khoản thiệt hại từ việc hàng hư hỏng do không dỡ hàng cẩn thận, vậy thì thật đáng tiếc? Thế nên, cẩn tắc vô áy náy. Nếu chuyến hàng vẹn nguyên, Chủ hàng sẽ tin tưởng hơn và có thể giao tiếp những đơn khác đấy!
- HÃY mang theo sự NHIỆT TÌNH.
Chủ hàng cần giúp, thì mình phụ ngay!
Đừng ngại giúp chủ hàng một tay trong lúc chất hàng hay dỡ hàng các bác tài nhé. Có thể lúc đầu mình thiệt công một chút nhưng bù lại chủ hàng sẽ thích và đánh giá cao sự nhiệt tình này đó.
II. NGUYÊN TẮC LÀM VIỆC CỦA BÁC TÀI CHUẨN TẦM
Để mỗi chuyến xe chở hàng đều thành công tốt đẹp thì chỉ kĩ năng lái xe thôi là chưa đủ, mà luôn cần có sự chuyên nghiệp trong tác phong lẫn nghiệp vụ. Dưới đây là những nguyên tắc nghiệp vụ mà bác tài cần nhớ để tạo nên những hành trình chở hàng tốt đẹp nhất nhé!
1. Nhận đơn hàng
Là bước đầu tiên trong hành trình vận chuyển 1 đơn hàng, việc cẩn thận ngay từ việc trao đổi thông tin đơn hàng là rất cần thiết. Để có một khởi đầu suôn sẻ, các bác tài lưu ý những điều sau:
- Chỉ đồng ý nhận đơn hàng khi có đủ năng lực vận chuyển và đảm bảo hoàn thành đơn hàng theo đúng yêu cầu: Có đúng loại xe, có thể bốc hàng đúng thời gian, địa điểm.
- Để đảm bảo không có sai sót, bác tài nên xác nhận lại thông tin bằng việc trao đổi qua điện thoại và tin nhắn với chủ hàng. Đặc biệt, bác tài phải nắm rõ các yêu cầu về thùng xe, loại xe, giấy tờ, trang phục, thời gian, địa điểm bốc dỡ hàng.
2. Bốc hàng
Sau khi xác nhận đầy đủ các thông tin ban đầu và chấp nhận vận chuyển đơn hàng, bác tài đừng quên đến bốc hàng theo đúng thời gian và địa điểm đã hẹn trước. Nếu có bất cứ điều gì phát sinh hoặc thay đổi so với thông tin thỏa thuận ban đầu, bác tài hãy gọi ngay cho chủ hàng để họ biết nhé.
Đồng thời, bác tài cũng hãy chủ động chuẩn bị thật tốt theo các bước sau:
- Gọi điện cho chủ hàng trước khi đến bốc hàng để đảm bảo chủ hàng nắm được thông tin, chuẩn bị hàng hóa và tránh những thay đổi đột xuất về thông tin đơn hàng.
- Duy trì hình ảnh chuyên nghiệp đúng với “Quy tắc ứng xử của bác tài có tâm” khi đến bốc hàng cũng như trong suốt chuyến đi: Trang phục lịch sự, luôn đúng giờ, giao tiếp nhẹ nhàng, ứng xử văn minh.
- Trước khi bốc hàng lên xe, bác tài hãy chủ động kiểm đếm hàng hóa. Sau khi đảm bảo hàng hóa đúng như thông tin đơn hàng, bác tài hãy yêu cầu người giao hàng ký nhận biên bản giao hàng.
- Trong quá trình bốc hàng, nếu bác tài cảm thấy hàng hóa không được xếp an toàn, hãy tạm dừng việc bốc hàng và liên lạc với chủ hàng. Tránh trường hợp hàng hóa bị hư hỏng khi vận chuyển thì bác tài phải chịu trách nhiệm.
- Nếu thời gian chờ đến lượt, xếp hàng lâu hơn hơn thời gian thỏa thuận thì hãy bình tĩnh, tránh những xung đột không đáng có tại nơi bốc hàng.
3. Vận chuyển hàng
Đây là phần quan trọng nhất trong quá trình vận chuyển đơn hàng. Nếu việc nhận đơn hàng và bốc dỡ hàng được bác tài thực hiện cẩn thận rồi thì khi vận chuyển hàng hóa sẽ không có gì phải lo lắng nhiều, chỉ cần đảm bảo một số điều sau:
- Chuyển hàng đúng lộ trình, đến đúng điểm dỡ hàng đã thỏa thuận.
Nếu trong quá trình vận chuyển, bác tài gặp sự cố dẫn đến hư hỏng hàng, ảnh hưởng tiến độ giao hàng…, bác tài cần báo ngay cho chủ hàng hoặc hãng xe để được hỗ trợ. - Thường xuyên kiểm tra hàng hóa trong quá trình vận chuyển: Kiểm tra dây chằng, cửa thùng xe, kiểm tra và điều chỉnh nhiệt độ thùng xe nếu đi container lạnh…
- Lái xe an toàn cũng là một yếu tố quan trọng nhất khi chuyển hàng. Hãy luôn tuân thủ luật giao thông, tránh việc cua gấp hay thắng gấp và đừng vội vàng phóng nhanh, vượt ẩu.
- Nếu trên tuyến đường giao hàng có một đoạn đường cấm phát sinh với dự kiến ban đầu, bác tài nên bình tĩnh trao đổi với chủ hàng để tìm ra cách giải quyết đảm bảo quyền lợi hai bên.
4. Dỡ hàng
Nếu thực hiện đúng 3 bước trên, bác tài sắp có một đơn hàng thành công rồi. Tại bước dỡ hàng, bác tài cần lưu ý:
- Khi xe gần đến nơi dỡ hàng (trước 1 tiếng), bác tài cần thông báo cho chủ hàng.
- Khi giao hàng, hãy chủ động kiểm tra hàng một lần nữa và so sánh với thông tin hàng hóa nhận ban đầu để đảm bảo hành trình vận chuyển an toàn và chất lượng. Sau khi đảm bảo không có sai sót nào, bác tài phải yêu cầu người dỡ hàng kiểm tra và ký nhận vào biên bản giao hàng. Nếu có sự cố hư hỏng hay mất hàng, bác tài cũng cần xác nhận và chú thích vào biên bản.
- Nếu thời gian chờ dỡ hàng lâu hơn thời gian đã hẹn trước, bác tài không nên mất bình tĩnh hoặc tỏ thái độ tiêu cực.
- Sau khi dỡ hàng, bác tài hãy gọi điện cho chủ hàng xác nhận hoàn thành đơn hàng.
III. ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP CỦA BÁC TÀI THÔNG THÁI
Thật buồn khi nhiều người vẫn cứ nghĩ rằng nghề tài xế là “hung thần xa lộ”, là “thằng này thằng nọ”… dù rằng các bác tài xế có vai trò thực sự quan trọng trong việc lưu thông hàng hóa, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế quốc dân.
Nhưng, nói đi cũng phải nói lại…
…nhiều bác tài đôi khi không tự chủ được hành động của mình khi cầm lái, dẫn đến những thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hình ảnh chung của các bác tài.
Do đó, để nâng cao hình ảnh nghề “cầm lái” cũng như giúp mọi người có cái nhìn thiện cảm hơn với nghề, các bác tài xế nhà mình “bỏ túi nhẹ” 8 điều này nhé!
Nắm vững các quy định của Pháp luật có liên quan đến trật tự an toàn giao thông và kinh doanh vận tải, tự giác chấp hành đúng các quy định đó.
Khi lưu thông xe tải hay các loại phương tiện khác, bác tài cần nắm rõ các quy định về an toàn giao thông nha. Lời khuyên này tưởng chừng như thừa nhưng thực ra việc chấp hành tốt các quy định của Pháp Luật vừa đảm bảo an toàn cho chính bác tài và chuyến hàng, vừa đảm bảo an toàn cho người khác đó các bác ạ.
Có thái độ thân thiện, hợp tác, sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp trong mọi hoàn cảnh khó khăn.
Sự cố là điều khó tránh khỏi trên mỗi chặng đường, nhất là với các bác tài chạy tuyến dài. Lúc đó, thêm một cánh tay giúp đỡ thì khó khăn được vơi đi nửa phần. Vì vậy, các bác tài xế nhà mình luôn giữ tinh thần tương trợ đồng nghiệp nhé! Chính tinh thần tương trợ lẫn nhau sẽ góp phần xây dựng một cộng đồng tài xế văn minh và ấm tình bạn hữu.
Có mối quan hệ đúng mực, nghiêm túc với người thi hành công vụ. Có thái độ tôn trọng, cầu thị, nếu sai nhìn nhận sửa sai, chấp hành xử phạt. Nếu đúng thì trình bày, giải thích rõ ràng; không tiếp tay cho tiêu cực.
Thật chẳng vui nếu đang cầm lái mà bị công an “thổi” vào. Lúc đó, bác tài nhà mình cứ bình tĩnh, cư xử văn minh và linh hoạt giải quyết sự việc nhé. Tuy nhiên, bản thân bác tài cũng nên cẩn thận trước vẫn tốt hơn đó ạ. Luôn chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, thông tin hàng hóa và lái xe cẩn thận, tôn trọng luật giao thông nha các bác tài ơi!
Tôn trọng người tham gia giao thông đường bộ và ý thức bảo vệ môi trường.
Văn minh giao thông không chỉ đến từ việc tôn trọng và nhường nhịn các xe khác trên đường mà còn thể hiện trong việc sử dụng còi xe. Bác tài chỉ sử dụng còi trong trường hợp cần thiết và hạn chế bấm còi khi đi qua khu dân cư, trường học, bệnh viện nhé. Cũng đừng sử dụng đèn chiếu xa khi tránh nhau vào ban đêm tại khu dân cư nha bác tài.
Thực hiện đầy đủ trách nhiệm với khách hàng và đơn vị vận tải đang hợp tác.
Là một bác tài “xịn”, hẳn các bác sẽ luôn lưu ý điều này đúng không ạ? Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình mà còn góp phần nâng cao hình ảnh của bản thân cũng như công ty vận tải mà mình đang hợp tác nữa đó bác tài.
Có ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm xây dựng đối với doanh nghiệp.
Doanh nghiệp nói riêng và chủ hàng nói chung chính là những người đã, đang và sẽ gắn bó cùng bác tài lâu dài trong sự nghiệp “cầm lái”. Nhiều bác tài vẫn nói đùa rằng “Chủ hàng là người mang cơm đến cho các bác tài xế”. Thế nên, có trách nhiệm với họ cũng chính là có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình nha các bác tài!
“Yêu xe như yêu con”.
Xe của các bác tài là nguồn sống nên bác nào cũng yêu xe và bảo quản xe mình đúng không ạ? Đừng quên bảo dưỡng xe định kỳ để xe luôn vận hành tốt nhất nhé.
Có lối sống lành mạnh, khiêm tốn, có văn hoá, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, không tham gia vào các tệ nạn xã hội.
Biết là các bác tài sẽ có những sở thích và đam mê riêng trên hành trình “cầm lái” nhưng dù sao đi nữa, hướng đến một lối sống lành mạnh và tích cực không chỉ có ích cho bản thân mình mà còn góp phần nâng cao hình ảnh của nghề tài xế nữa ạ.
8 điều này được đưa ra dựa trên chương trình đào tạo giấy phép lái xe ô tô của Tổng cục đường bộ Việt Nam nhằm hướng đến một cộng đồng tài xế văn minh và lành mạnh, chuyên nghiệp. Các bác tài nhà mình đừng bỏ qua những điều này nhé!
B. MẸO VẶT CHO BÁC TÀI & CÁC CÂU HỎI THƯỜNG GẶP

I. MẸO HAY CHO BÁC TÀI
1. Mẹo hay giúp tối ưu không gian khi chất hàng lên xe
Nguyên tắc 1: Phân loại hàng
Điều đầu tiên là bác tài cần phân loại hàng hóa trước khi xếp lên xe như: Hàng cồng kềnh, hàng nặng, hàng nhẹ, máy móc thiết bị, hàng dễ vỡ, các kiện hàng nhỏ…
Nguyên tắc 2: Biết nặng biết nhẹ
Bác tài nên biết những nguyên tắc xếp hàng hóa sau để bố trí hàng hợp lý trên xe nhé. Nên xếp hàng cồng kềnh hàng nặng hàng nhẹ nhất theo thứ tự từ dưới lên trên. Hàng nặng hơn thì xếp dưới, hàng nhẹ hơn xếp chồng lên trên. Hàng chất lỏng nặng xếp dưới, hàng chất rắn nhẹ xếp lên trên.
Nguyên tắc 3: Cẩn thận với đồ dễ vỡ
- Yêu cầu chủ hàng đóng gói cẩn thận những hàng hóa dễ vỡ như hàng thủy tinh, sứ.
- Ưu tiên xếp những thùng hàng dễ vỡ ở nơi thích hợp nhất, nơi bằng phẳng không có va chạm, đảm bảo không có vật nặng đè lên…
- Máy móc lớn, cấu tạo phức tạp nên để sát phía trong, gần cabin vì vị trí này ít bị tác động, giúp đồ đạc được cố định tốt.
- Không xếp chồng các máy lên nhau để tránh hư hại.
- Dùng dây chằng hoặc các miếng đề để gia cố máy móc chắc chắn.
Nguyên tắc 4: Phân bổ đều
Sắp xếp hàng sao cho thùng xe cân bằng, không để nghiêng về một phía. Thùng đồ lớn nặng nên để ở phần giữa xe. Quy trình sắp xếp này giúp tiết kiệm diện tích chở hàng, đồng thời giúp chủ hàng dễ dàng kiểm soát số lượng khi giao – nhận.
Nguyên tắc 5: Tận dụng không gian
Các túi đồ nhỏ nên được nhét vào các không gian trống còn lại của thùng xe. Tận dụng tối đa diện tích trống, lấp đầy các khoảng không để đồ đạc không bị xê dịch
Nguyên tắc 6: Tối ưu cho việc dỡ hàng
Hãy sắp xếp lô hàng cần giao ngay sát cửa xe – lô hàng giao cuối ở trong cùng thùng xe để thuận lợi cho việc tháo dỡ và giao nhận nếu vận chuyển hai lô hàng khác nhau bác tài nhé!
2. Lưu ý khi vận chuyển một số hàng hóa đặc biệt
Hàng dễ vỡ, có giá trị cao
- Bác tài nên kiểm tra thật kỹ chất lượng hàng hóa trước khi bốc hàng. Có nhiều trường hợp hàng hóa bị trầy xước, hư hỏng ngay từ đầu nhưng bác tài chưa kiểm tra kỹ nên bị “bắt đền oan”.
- Hàng dễ vỡ nên được đóng gói và cuộn kín bằng các tấm bọt khí đàn hồi, giúp chống va đập.
- Để tránh việc hàng hóa bị xê dịch, gây hỏng hóc, bác tài nên sắp xếp hàng hóa lên xe theo nguyên tắc: hàng nặng lên trước, nhẹ lên sau. Xem thêm MẸO SỐ 1 nhé bác tài.
- Cố định hàng hóa bằng băng dính, đóng khóa cửa cẩn thận hoặc chằng dây vừa khít để giữ nguyên vị trí hàng hóa khi di chuyển.
Hàng điện tử, điện lạnh
- Đây là mặt hàng giá trị lớn nên thùng xe phải là thùng kín để đảm bảo an toàn.
- Sàn xe phải sạch sẽ, khô thoáng tránh ẩm ướt ngấm vào khiến hỏng đồ điện tử.
- Kê và đệm hàng cẩn thận bằng chất liệu như mút, xốp, bọt mềm…, đồng thời đóng thùng carton bên ngoài để bảo vệ hàng hóa không bị vỡ khi va chạm.
- Phải kê hàng lên pallet, tránh tiếp xúc với nước và ánh nắng mặt trời.
Không chồng, đè các hàng nặng khác lên trên. - Tuyệt đối không được xếp chung với hàng dễ cháy nổ, hàng hóa chất.
Hoa quả, thực phẩm tươi sống chuyển bằng xe tải, xe container lạnh
- Đóng gói bao bì hàng hóa thích hợp. Tránh làm rách bao bì, luồng không khí lạnh lưu thông sẽ làm ảnh hưởng tới hàng hóa bên trong.
- Không xếp hàng hóa quá vạch đỏ (red line) trong container.
- Bảng điều khiển container lạnh phải luôn được đóng kín và tránh nước.
Mỗi loại sản phẩm có điều kiện nhiệt độ và không khí khác nhau, vì thế nếu có quá nhiều sản phẩm để chung thì hãy đảm bảo không ảnh hưởng đến an toàn chất lượng hàng hóa. - Trong quá trình vận chuyển, bác tài nên thường xuyên kiểm tra để đảm bảo điều hòa lạnh trong xe chạy ổn định và phù hợp với hàng hóa. Ngoài ra cần lưu ý tới sự mất nước, sấy khô, xâm nhập của nước, vết lấm tấm đen, thay đổi màu sắc, mùi vị.
Thép
- Chỉ nên nhận chở thép khi bác tài có những loại xe chuyên chở như: xe đầu kéo, các loại xe tải lớn, xe siêu trường, siêu trọng.
- Cần chú ý đến trọng tải thực chở của xe, tránh việc xếp quá nhiều hàng dẫn tới không lưu thông được trên đường hoặc bị hư hại phương tiện.
- Thép phải được xếp song song hoặc xếp chồng lền nhau tạo thành các ô vuông. Cần xếp đều dàn trải trọng lực cho hàng trên xe, tránh tình trạng mất cân bằng trọng lực. Ngoài ra, không xếp hàng quá cao.
- Sàn xe phải khô thoáng, không ẩm ướt
- Tránh để thép tiếp xúc với nước, hay hóa chất
- Cố định hàng cẩn thận để tránh rơi xuống đường trong quá trình vận chuyển.
- Cần có các vật chèn lót hoặc đệm lên để tiện cho việc luồn cáp hạ thép xuống khỏi xe sau này.
Chai lọ chứa chất lỏng
- Chai lọ phải được bịt kín để chất lỏng không chảy ra ngoài dù bị dốc ngược.
- Nếu có nhiều chai lọ trong một thùng, chúng phải được ngăn cách bởi các vật liệu có độ đàn hồi như tấm bọt khí, mút, xốp, hạt nở chèn kín giữa các khoảng trống để chai lọ không bị xê dịch.
Nội thất
- Đảm bảo sàn xe phải sạch, không ẩm ướt, thùng xe phải là thùng kín.
Sàn xe phải lót một lớp mút xốp hoặc bìa carton để tránh việc dằn sốc. - Đóng gói hoặc quấn màng co cẩn thận đối với hàng gỗ nội thất tự nhiên để tránh bị trầy xước.
- Các đầu, cạnh, góc của hàng hóa cần dùng giấy hoặc mút xốp dày bọc lại để tránh va chạm, trầy xước khi các đồ vật cọ sát với nhau và với thùng xe.
- Đối với hàng nội thất bằng gỗ công nghiệp, tuyệt đối không để nơi ẩm ướt hoặc tiếp xúc trực tiếp với nước. Đồng thời, không để dưới ánh nắng trực tiếp hoặc để tiếp xúc với dung môi hữu cơ sẽ gây biến dạng bề mặt.
- Không được chồng xếp các hàng nặng khác lên trên vì dễ gây gãy hoặc trầy xước hàng.
- Sử dụng các dụng cụ chuyên dụng để cố định hàng nội thất như dây nịt, khung cố định,…
3. Dừng và đỗ xe tải khi bốc, dỡ hàng thế nào để đúng luật?
Quy định dừng và đỗ xe tải
- Khi dừng hoặc đỗ xe tải, bác tài cần lưu ý những quy định dưới đây nha:
Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết. - Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy. Nếu lề đường hẹp hoặc không có lề đường, bác tài nhớ cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình nha.
- Trường hợp trên đường đã quy định các điểm dừng, đỗ xe thì các bác tài nhớ là phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó nha.
- Sau khi đỗ xe, bác tài cần thực hiện các biện pháp an toàn trước khi rời khỏi xe. Nếu đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy thì bác tài phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết.
- Bác tài cũng nhớ là không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn.
- Trong trường hợp chỉ dừng xe, bác tài không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái.
- Nếu đỗ xe trên đoạn đường dốc, bác tài phải chèn bánh xe nha.
Không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí
- Bên trái đường một chiều;
- Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất;
- Trên cầu, gầm cầu vượt;
- Song song với một xe khác đang dừng, đỗ;
- Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;
- Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau;
- Nơi dừng của xe buýt;
- Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức;
- Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe;
- Trong phạm vi an toàn của đường sắt;
- Che khuất biển báo hiệu đường bộ.
5. Lưu ý khi gặp thời tiết xấu trong lúc lái xe
Lái xe trong điều kiện thời tiết sương mù
- Trong sương mù, khi tầm nhìn bị hạn chế, cách tốt nhất là đi chậm lại để có thể phản ứng nhanh nếu có vật cản bất ngờ xuất hiện trong màn sương mù dày đặc.
- Hãy giữ khoảng cách gấp đôi so với xe phía trước. Việc nối đuôi nhau khi đi trong sương rất khiến tai nạn liên hoàn xảy ra.
- Không sử dụng đèn pha (đèn chiếu xa) để đi trong sương mù. Đèn pha sẽ khiến màn sương mù tạo thành một lớp tường ánh sáng ngay trước mặt, làm giảm tầm nhìn nghiêm trọng.
- Sử dụng đèn chiếu thấp (đèn cốt) để di chuyển trong sương mù. Bật thêm đèn sương mù nếu đi ô tô, và nếu sương mù dày đặc hãy sử dụng đèn khẩn cấp (nháy 2 đèn xi-nhan liên tục) để cảnh báo các xe đi sau.
Lái xe trong điều kiện trời mưa, đường trơn
- Kiểm tra điều kiện của xe và lốp: Để giữ lốp xe luôn tốt, bác tài nên thường xuyên kiểm tra áp suất lốp và độ mòn mặt hoa lốp. Nếu lớp bề mặt lốp mòn quá mức cho phép thì bác tài nên thay lốp mới. Lốp bị mài mòn có thể dẫn đến bám đường kém, xử lý không nhạy, xe dễ bị trơn trượt, mất lái.
- Cần gạt nước cần phải ở trong điều kiện hoạt động tốt, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến tầm nhìn của bác tài.
- Tập trung cao độ: Khi trời mưa, bác tài nên giảm tốc độ, vừa điều khiển xe vừa quan sát bao quát mọi tình hình diễn ra xung quanh. Không nên tăng tốc đột ngột và phanh gấp bởi khi trời mưa, mặt đường trơn sẽ dễ bị trượt.
- Khi vào cua, bác tài nên bình tĩnh đưa lái với tốc độ chậm để vượt qua khúc quanh an toàn. Đặc biệt, nếu trời mưa to và đường ngập nước, bác tài nên lưu ý tình trạng bị thủy kích tấn công.
6. “Bí kíp” giữ tập trung và tỉnh táo khi lái xe đường dài
Dù là những bác tài dày dặn kinh nghiệm nhất cũng không tránh khỏi những lúc rơi vào tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ khi lái xe. Khi buồn ngủ, bác tài thường giảm độ tỉnh táo, và phản ứng chậm với những sự việc diễn ra, đồng thời xử lý tình huống thiếu chuẩn xác. Dưới đây là một số mẹo nhỏ:
- Chợp mắt trước khi lên đường: Một giấc ngủ ngắn 15 – 20 phút trước khi lái xe sẽ giúp não bộ có thời gian nghỉ ngơi, sẵn sàng giữ sự tập trung tỉnh táo trong nhiều giờ lái xe tiếp theo.
- Ăn uống đủ chất: Trước khi lái xe, hãy ăn đủ chất. Chú trọng vào thức ăn giàu carbohydrate và protein giúp các bác tài xế có thể tập trung trong nhiều giờ. Các bác tài lưu ý là tránh đồ ăn nhanh hoặc những thứ nhiều đường. Loại thức ăn này khiến năng lượng giảm nhanh chóng sau khi ăn.
- Uống cà phê: Một ly cà phê chứa khoảng 75 milligram caffeine vừa đủ để giúp các bác tài tỉnh táo và tập trung hơn khi lái xe. Do đó, hãy uống 1 ly cà phê khi các bác tài cảm thấy mệt nhưng cũng đừng lạm dụng cà phê quá nhiều vì dễ ảnh hưởng tới sức khoẻ của bác tài.
7. “Bí kíp” lái xe an toàn ban đêm
- Nắm rõ cung đường, lộ trình: Trước khi khởi hành chuyến đi vào ban đêm, với những cung đường mới, bác tài nên nắm rõ lộ trình để tránh đi nhầm đường.
- Di chuyển với tốc độ phù hợp, giữ khoảng cách an toàn: Tầm quan sát ban đêm không tốt như ban ngày, do vậy, các bác tài xế luôn tuân thủ nguyên tắc “Chậm mà chắc”. Dù đường ban đêm thường vắng thì các bác cũng nên đi đúng làn đường của mình.
- Khi lái đêm, bác tài nên tăng khoảng cách an toàn với xe đi phía trước để kịp phản ứng trước những tình huống bất ngờ. Để căn khoảng cách, nhiều bác tài thường áp dụng nguyên tắc 4 giây. Giả sử bác tài đang lái xe với tốc độ 60km/giờ tương đương 16,6m/giây. Với tốc độ này, nếu áp dụng nguyên tắc 4 giây, cần phải giữ khoảng cách an toàn với xe đi phía trước khoảng 16,6 x 4 = 66m.
- Sử dụng hợp lý chế độ đèn chiếu cốt: Đèn cốt là đèn chiếu gần, góc chiếu thấp giúp bác tài quan sát được tình trạng mặt đường. Khi lái xe vào ban đêm qua các tuyến đường nội thành, khu dân cư, bác tài nên giảm tốc độ và bật chế độ đèn cốt.
- Sử dụng hợp lý đèn pha: Đèn pha có cường độ ánh sáng mạnh, chiếu xa hơn giúp bác tài thấy được chướng ngại và các biển báo từ xa. Bác tài lưu ý chỉ nên sử dụng chế độ đèn pha khi lái xe trên các đoạn đường cao tốc, đường trường ít phương tiện và không có xe đi ngược chiều.
- Dừng xe nghỉ ngơi khi buồn ngủ: Buồn ngủ được xem là mối nguy lớn nhất khi lái xe ban đêm. Vì vậy, trong quá trình lái xe nếu cảm thấy buồn ngủ hay mệt mỏi bác tài nên đỗ xe vào nơi an toàn, chợp mắt một lát cho tỉnh táo hơn rồi mới lái xe tiếp.
- Luôn có bảng phản quang: Khi chạy đêm, bác tài nên mang theo bảng báo hiệu có phản quang để sử dụng trong trường hợp phải đỗ xe bên đường.
- Bác tài tuyệt đối không nhận chở các loại hàng cấm, hàng buôn lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
- Tuyệt đối không chia sẻ thông tin tài khoản cho người khác, cho người khác dùng tài khoản của mình để nhận đơn bác tài nhé!
- Luôn cảnh giác với các tin nhắn, thư điện tử hay cuộc gọi đáng ngờ hỏi về các thông tin cá nhân của mình nha bác tài.
8. “Bí kíp” tìm kiếm đơn hàng dễ dàng
Tìm kiếm đơn hàng chắc chắn luôn là mối quan tâm hàng đầu của bác tài. Sau đây xin giới thiệu ba cách để tìm đơn hàng vận chuyển được các bác tài đánh giá là hiệu quả:
- Tham gia vào các hội nhóm tài xế hoặc chủ hàng cần tìm xe. Cách này không mới nhưng hiệu quả. Nhiều chủ hàng cũng dùng cách này để tìm tài xế. Tuy nhiên các bác tài chỉ nên tham gia những hội nhóm chất lượng, có quản lí tốt để tránh tình trạng rơi vào những nhóm “cò” nhiều hơn “xế” nhé!
- Tham gia liên kết với các hợp tác xã hoặc chành xe ở địa phương: Những chủ xe nhỏ lẻ thường khó tiếp cận đơn hàng do thiếu sự đảm bảo và uy tín đối với chủ hàng. Tham gia những tổ chức đoàn thể lớn sẽ giúp các bác tài loại bỏ được nhược điểm này.
- Sử dụng ứng dụng LOGIVAN Chủ Xe. Là ứng dụng công nghệ vận tải hàng đầu Việt Nam hiện nay với mạng lưới hơn 45.000 chủ xe và 40.000 chủ hàng trên toàn quốc. Đây hoàn toàn là một lựa chọn hợp lí và hiệu quả để thay thế cho cách tìm hàng truyền thống.
II. CÁC VI PHẠM THƯỜNG GẶP VÀ MỨC PHẠT ĐỐI VỚI XE TẢI
Các bác tài nhà mình chắc chắn biết là bảo đảm an toàn giao thông không chỉ là tuân thủ pháp luật mà còn là bảo vệ an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Tuy nhiên, các bác tài hẳn không tránh khỏi những lúc sơ ý và bị mời “tấp vào lề”. Dưới đây là những lỗi vi phạm phổ biến và mức phạt để các bác tài nắm rõ nhé!
Vi phạm | Mức phạt |
Lỗi chở hàng trên nóc thùng xe; chở hàng vượt quá bề rộng thùng xe; chở hàng vượt phía trước, phía sau thùng xe trên 10% chiều dài xe | Phạt từ 800.000 đồng – 1.000.000 đồng kèm tước Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. Trong trường hợp chủ xe giao cho tài xế chở hàng hóa vượt quá chiều dài xe thì sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức. Đối với chủ xe là cá nhân thì sẽ bị phạt tiền 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng. |
Lỗi ô tô tải chuyển hướng không xi-nhan | Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng. |
Chuyển làn đường không xi-nhan | Phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng |
Chuyển làn đường không xi-nhan khi chạy trên đường cao tốc | Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng kèm tước Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng |
Lỗi chở người trên thùng xe ô tô tải | Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng kèm tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng |
Lỗi điều khiển xe ô tô tải chở hàng quá trọng tải thiết kế của xe trên 150% | Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng kèm tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 đến 05 tháng. Trong trường hợp chủ xe giao xe chở hàng quá trọng tải sẽ bị phạt tiền từ 18.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 36.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức. |
Lỗi điều khiển xe vào đường có giới hạn tải trọng nhỏ hơn tải trọng xe | Quá tải trọng của cầu, đường 20 – 50% người điều khiển sẽ bị phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng; Chủ phương tiện là cá nhân sẽ bị phạt từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức. |
Lỗi chở hàng quá chiều cao cho phép | Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng kèm tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. Chủ phương tiện là cá nhân sẽ bị phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức. |
Lỗi điều khiển xe ô tô tải không đóng cố định cửa sau thùng xe | Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng. |
Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo, vạch kẻ đường (trừ một số trường hợp) | Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng. |
Chở người trên buồng lái quá số lượng định | Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng. |
Không thắt dây an toàn khi điều khiển xe | Phạt tiền từ 800.000 đồng – 01 triệu đồng. |
Chở người trên xe không thắt dây an toàn khi xe đang chạy | |
Bấm còi, rú ga liên tục, sử dụng đèn chiếu xa trong khu dân cư (trừ xe ưu tiên) | Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 01 triệu đồng |
Dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe | Phạt tiền 01 – 02 triệu đồng |
Lái xe không đủ điều kiện để thu phí tự động không dừng đi vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức tự động không dừng tại các trạm thu phí | Phạt tiền 01 – 02 triệu đồng |
Vượt đèn đỏ, đèn vàng | Phạt tiền 03 – 05 triệu đồng kèm tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 01 – 03 tháng |
Không chấp hành hiệu lệnh của CSGT | |
Chạy quá tốc độ từ 05 – 10km | Phạt tiền từ 800.000 – 01 triệu đồng |
Chạy quá tốc độ từ 10 – 20km | Phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng kèm tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 01 – 03 tháng |
Chạy quá tốc độ từ 20 – 35km | Phạt tiền từ 06 – 08 triệu đồng kèm tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng |
Chạy quá tốc độ từ 35km trở lên | Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng kèm tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng |
Có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1l khí thở; | Phạt tiền từ 06 – 08 triệu đồng kèm tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 – 12 tháng |
Nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1l khí thở | Phạt tiền từ 16 – 18 triệu đồng kèm tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 16 – 18 tháng |
Nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 l khí thở; | Phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng kèm tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 22 – 24 tháng |
III. QUÁN CƠM DÀNH CHO XE TẢI
Vì đặc điểm phương tiện cồng kềnh nên các bác tài đi tuyến Bắc – Nam thường phải mất công tìm kiếm quán cơm khi muốn nghỉ chân. Để tiết kiệm thời gian cho các bác tài, chúng tôi đã tổng hợp một số quán cơm dọc quốc lộ rộng rãi và có chỗ đậu xe tải.
Danh sách quán cơm | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
| |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
| |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
| |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
|
V. TRẠM XĂNG DỌC QUỐC LỘ
Nếu chẳng may trên chặng đường rong ruổi, xe sắp hết xăng, mà không biết kiếm trạm xăng ở đâu thì hãy mở cẩm nang này ra nhé các bác tài. Dưới đây là một số trạm xăng ở khu vực Hà Nội và tam giác Kinh tế Hồ Chí Minh – Bình Dương – Đồng Nai. Hy vọng có thể giúp ích cho các bác.
Danh sách trạm xăng | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
| ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
| ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
| ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
|
LỜI KẾT
Xin cảm ơn bác tài đã đọc đến hết cuốn sổ tay này. Hy vọng chúng tôi đã mang đến cho các bác tài thật nhiều giá trị thiết thực và hữu ích.
Các thông tin, lưu ý, quy định trong cẩm nang này sẽ luôn được chúng tôi cập nhật, thay đổi để phù hợp hơn với các bác tài cũng như tình hình vận tải Việt Nam trong tương lai.
Xin cảm ơn tất cả các Bác tài đã tham gia góp ý, đánh giá để chúng tôi có thể hoàn thiện cuốn cẩm nang này một cách tốt nhất.
Cuối cùng, xin chúc các bác tài luôn thượng lộ bình an trên tất cả những chuyến hàng.
Đội ngũ LOGIVAN
Tài liệu tham khảo
Dựa theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 01/01/2020:
Điều 24.2.b Nghị định 100/2019/NĐ-CP;
Điều 30.7.i Nghị định 100/2019/NĐ-CP;
Điều 5.3.c Nghị định 100/2019/NĐ-CP;
Điều 5.2.a Nghị định 100/2019/NĐ-CP;
Điều 5.5.g Nghị định 100/2019/NĐ-CP;
Điều 24.2.c Nghị định 100/2019/NĐ-CP;
Điều 24.8.a Nghị định 100/2019/NĐ-CP;
Điều 30.12.a Nghị định 100/2019/NĐ-CP;
Điều 33.3.d Nghị định 100/2019/NĐ-CP;
Điều 30.9.đ Nghị định 100/2019/NĐ-CP;
Điều 24.4.b Nghị định 100/2019/NĐ-CP;
Điều 30.8.c Nghị định 100/2019/NĐ-CP;
Điều 24.1.c Nghị định 100/2019/NĐ-CP;
Điều 5.1.a Nghị định 100/2019/NĐ-CP;
Điều 5.2.c Nghị định 100/2019/NĐ-CP;
Điều 5.3.p và Điều 5.3.q Nghị định 100/2019/NĐ-CP;
Điều 5.3.b Nghị định 100/2019/NĐ-CP;
Điều 5.4.a Nghị định 100/2019/NĐ-CP;
Điều 5.4.c Nghị định 100/2019/NĐ-CP;
Điều 5.5.a Nghị định 100/2019/NĐ-CP;
Điều 5.3.a Nghị định 100/2019/NĐ-CP;
Điều 5.5.i Nghị định 100/2019/NĐ-CP;
Điều 5.6.a Nghị định 100/2019/NĐ-CP;
Điều 5.7.c Nghị định 100/2019/NĐ-CP;
Điều 5.6.c Nghị định 100/2019/NĐ-CP;
Điều 5.8.c Nghị định 100/2019/NĐ-CP;
Điều 5.10.a Nghị định 100/2019/NĐ-CP;